Hằng năm cứ vào ngày Tết Trung Thu, thôn xóm lại nô nức tiếng cười đùa. Không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn cũng háo hức nào lồng đèn, nào bánh Trung Thu và cùng ra đường tham gia nhiều hoạt động vui chơi giải trí. Dù vậy ít ai hiểu rõ Tết Trung Thu được tổ chức như thế nào. Do đó hãy cùng tìm hiểu nguồn gốc, các hoạt động và ý nghĩa của ngày này ra sao nhé!

Tết Trung Thu được tổ chức khi nào

Tết Trung Thu diễn ra vào ngày Rằm tháng 8 Âm lịch hằng năm. Trung Thu là một từ ghép Hán Việt, “trung” chỉ ở giữa còn “Thu” ở đây chính là mùa Thu. Từ này cũng thể hiện thời điểm diễn ra ngày lễ tức vào giữa mùa Thu, rơi vào 15 tháng 8 Âm lịch.

Tết Trung Thu còn có nhiều tên gọi khác. Chẳng hạn như Tết Đoàn Viên, đây là tên gọi dựa vào ý nghĩa Tết Trung Thu ở Việt Nam, khi ngày này là ngày gia đình quây quần sum họp. Ngoài ra, Tết Trung Thu Việt Nam còn có tên gọi Tết Thiếu Nhi do hoạt động vui chơi chủ yếu dành cho trẻ em. Ngoài ra dựa vào các hoạt động trong ngày lễ này mà còn có các tên gọi như Tết Trông Trăng, Tết Hoa Đăng,…

Nguồn gốc của ngày Tết Trung Thu

Để tìm hiểu tại sao Lễ hội Trung Thu được tổ chức thì cần quay ngược thời gian về nguồn gốc của ngày này. Tích xưa ghi chép lại, vào thời vua Duệ Tôn của nhà Đường, một đêm rằm tháng 8 gió mát trăng tròn, nhà vua gặp một vị tiên trong lúc dạo chơi ngoài thành. Vị tiên hóa phép một cây cầu nối mặt đất và cung trăng, giúp nhà vua được dịp dạo chơi nơi tiên cảnh. Đến lúc về trần thế, nhà vua không ngừng luyến tiếc cảnh trăng thơ mộng đêm ấy nên đã đặt ra ngày Tết Trung Thu để kỷ niệm. Truyền thống Tết Trung Thu sau đó du nhập vào Việt Nam và trở thành một ngày lễ lớn hằng năm. Vốn là một đất nước nông nghiệp lúa gạo, từ xưa vào khoảng tháng 8 khi mùa vụ gieo trồng đã xong, tiết trời Thu dần dịu mát, người dân lại mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi cúng mâm cỗ cầu một vụ mùa tươi tốt. Các nhà khảo cổ học cũng chỉ ra rằng Lễ hội Trung Thu đã có từ xa xưa qua chi tiết in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Còn theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung Thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long qua các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Do đó có thể nói nguồn gốc hoạt động Tết Trung Thu Việt Nam đã có từ rất xa xưa, sau đó có du nhập tên gọi và một số hoạt động từ Trung Quốc tạo thành một truyền thống cho đến ngày nay.

Bên cạnh ngày Tết Trung Thu còn có rất nhiều sự tích, nguồn gốc chẳng hạn như tình yêu của Hằng Nga và chàng Hậu Nghệ từ Trung Quốc, sự tích Chú Cuội và cây đa, sự tích Thỏ Ngọc, truyền thuyết cặp vợ chồng Mặt Trăng và Mặt Trời theo văn hóa Á Đông,… Tóm lại, dù xuất phát từ sự tích nào, ngày Tết Trung Thu đều hướng tới sự ca ngợi cái đẹp của trăng, của thiên nhiên tươi đẹp, tình yêu đôi lứa và cầu chúc cho gia đình, công việc trọn vẹn.

Xem thêm: https://sukientuanviet.com/cho-thue-san-khau-su-kien/

Hinh-anh-cac-hoat-dong-mung-Tet-Trung-Thu-xua-tren-trong-dong-Ngoc-Lu

Hình ảnh các hoạt động mừng tết trung thu xua trên trống đồng Ngọc Lũ

Các hoạt động được tổ chức trong ngày Tết Trung Thu

Tại Việt Nam Tết Trung Thu được tổ chức như thế nào?

Qua nhiều thập kỷ, các hoạt động Tết Trung thu xưa và nay cũng có nhiều thay đổi. Một số hoạt động hiện nay đã được đơn giản hơn nhằm đáp ứng nhịp sống hiện đại, nhưng một số nơi vẫn giữ nguyên và các hoạt động đều được truyền bá hằng năm nhằm tôn vinh giá trị truyền thống của dân tộc.

  • Rước đèn: hình ảnh nổi bật nhất của Tết Trung Thu chính là rước đèn. Vào ngày này trẻ em sẽ được ba mẹ mua cho những chiếc đèn lồng xinh xắn, đủ mọi hình thù như ngôi sao, con thỏ, hoa sen, cá chép,… với đủ màu sắc và cùng nhau đi khắp xóm. Việc rước đèn Trung Thu mang hàm ý xua tan điềm xui xẻo và đem tới sự may mắn, phúc lành cho trẻ em.
  • Múa Lân: con Lân là biểu trưng cho sự may mắn, nằm trong bộ tứ linh – những con vật thần thánh mang lại sức mạnh, tiền tài và thành công trong sự nghiệp cho gia chủ. Các đoàn múa lân thường biểu diễn ở nơi đông người hoặc tại nhà khi có gia đình thuê. Trong văn hóa múa Lân, Lân múa càng đẹp và hái lộc càng cao thì sự may mắn của gia chủ sẽ càng nhiều.
  • Bày mâm cỗ: mâm cỗ được chuẩn bị để cúng trời đất, tổ tiên và cầu mong một năm mùa màng bội thu, gia đình đầm ấm, sum vầy. Sau đó, các thành viên trong gia đình sẽ thực hiện việc phá cỗ nhằm chia sẻ niềm vui, sự hạnh phúc cho nhau. Mâm cỗ Tết Trung Thu thường không thể thiếu các loại hạt, trái cây (như cam, chuối, hồng,…), bánh cốm,… và đặc biệt là phải có trà cùng với bánh trung thu.
  • Ngắm trăng: bởi rằm tháng 8 là ngày có tiết trời đẹp nhất, trăng cũng tròn và tỏa sáng nhất đêm nay. Nên việc ngắm trăng đêm Trung Thu chính là để thư giãn và thưởng thức cái đẹp trời đất. Còn theo sử xưa, ngày rằm tháng 8 trăng sẽ rõ nhất nên nông dân thường ngắm trăng để dự đoán mùa màng năm sau, hay thậm chí là vận mệnh quốc gia.
  • Múa hát: trong lúc tổ chức lễ hội Trung Thu, không thể thiếu những giai điệu vui tươi, những tiếng hát hòa cùng tiếng trống rộn ràng. Trong tục hát trống quân ở miền Bắc, đôi bên nam nữ vừa hát đối đáp với nhau, vừa đánh nhịp cho câu hát. Thường họ hát những câu hát vần, hát đố có sẵn hoặc hát ứng khẩu đặt ra để đối đáp, trêu ghẹo nhau. Trẻ em cũng có những bài vè vui nhộn để hòa cùng tiếng trống đêm rước đèn nhộn nhịp.

Tại các thành phố lớn, việc rước đèn lồng hay múa lân, bày cỗ ngắm trăng thường khó khăn. Do nhịp sống hối hả và ánh đèn đô thị lấn át đi vẻ đẹp của trăng nên người ta thường đi đến những nơi tụ họp đông người, khu vui chơi, trung tâm thương mại hay các hội trại của Đoàn, Hội. Hoặc để tiện lợi hơn, ngày nay có các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tổ chức trung thu cho các tổ chức và cả những dịch vụ tổ chức sự kiện khác. Các doanh nghiệp này sẽ cho thuê thiết bị sự kiện và cả lắp đặt, lên kịch bản cho những công ty muốn tổ chức ăn mừng Tết Trung Thu cho nhân viên.

Hinh-anh-Tet-Trung-Thu-ruoc-den-tai-Viet-Nam

Hình ảnh Tết trung thu rước đèn tại Việt Nam

Hoạt động Tết Trung Thu tại các nước ngoài

Do có nguồn gốc từ Trung Quốc nên hoạt động đón Tết Trung Thu tại đây so với Việt Nam khá giống nhau. Trẻ em tại Trung Quốc cũng được tham gia rước đèn, xem múa lân, ăn bánh nướng, ngắm trăng và uống trà,… Bên cạnh đó còn có những hoạt động thú vị nhưng không quá phổ biến ở Việt Nam như tế trăng, thả đèn hoa đăng, thưởng rượu, giải câu đố.

Tại Hàn Quốc, người dân lao động được nghỉ 3 ngày để về nhà, sum họp cùng gia đình, tặng quà cho bạn bè, đi tảo mộ hoặc mặc trang phục truyền thống Hanbok cùng vui chơi nhảy múa. Khác với bánh Trung Thu nướng của Việt Nam, người Hàn Quốc ăn bánh Songpyeon vào dịp Trung Thu. Không phải là bánh hình tròn như đa số quan niệm của các quốc gia khác, bánh Songpyeon có hình lưỡi liềm. Người Hàn Quốc cho rằng bánh hình trăng khuyết sẽ lại tròn khi đến chu kỳ, như sự sinh sôi nảy nở, phát triển thịnh vượng trong tương lai. Trong đêm Trung thu, họ còn uống các loại rượu truyền thống như sindoju hay dongdongju bên cạnh ăn bánh.

Vào dịp lễ Trung Thu, người dân Nhật Bản cũng có những hoạt động ngắm trăng và vui chơi tương tự nhưng họ sẽ ăn bánh Tsukimi Dango – một loại bánh truyền thống của Nhật. Bánh Tsukimi Dango nhỏ xinh được nướng và phủ lên mặt một lớp đường mật óng ánh quyến rũ, đầy đặn và óng ánh như mặt trăng đêm rằm mùa Thu. Mâm cỗ của người Nhật còn có khoai lang, hạt dẻ, mì Soba,… Các em bé Nhật sẽ rước đèn cá chép, với hình tượng cá chép phụ huynh người Nhật mong muốn các con mình lớn lên thật mạnh mẽ và can đảm.

Khu vực Châu Á còn có rất nhiều quốc gia khác cũng tổ chức các hoạt động mừng Tết Trung Thu như Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Lào, Philippines,… Và dù ở đâu đi nữa thì hoạt động trong ngày Tết Trung Thu cũng hướng về sum họp gia đình, vui chơi giải trí và tôn vinh vẻ đẹp của trăng.

Hình ảnh Tết Trung Thu trong văn học và nghệ thuật

Trong văn học, thơ ca

Cái tiết trời thanh mát nên thơ vào ngày rằm tháng 8 đã chắp cánh cho rất nhiều tác phẩm văn học và thơ ca. Tiêu biểu trong đó có các vần thơ của các thi sĩ nổi tiếng như Đỗ Phủ (nhà Đường , Trung Quốc) hay các cây bút Việt Nam như Nguyễn Du, Tản Đà,…

Bên cạnh đó, những bài hát về Trung Thu hằng năm là một mảnh ghép không thể thiếu trong ngày lễ này. Cứ đến Trung Thu, ta lại nghe những âm thanh rộn vang của ca khúc Rước đèn tháng Tám:

“Tết Trung Thu rước đèn đi chơi

  Em rước đèn đi khắp phố phường

  Lòng vui sướng với đèn trong tay

  Em múa ca trong ánh trăng rằm…” (nhạc sĩ Đức Quỳnh).

Cùng với đó là những ca khúc nổi tiếng khác như Chiếc đèn ông sao (nhạc sĩ Phạm Tuyên), Đêm Trung Thu (nhạc sĩ Phùng Như Thạch), Thằng Cuội (nhạc sĩ Lê Thương),…

Trong tranh, ảnh nghệ thuật

Hình ảnh Tết Trung Thu được tổ chức như thế nào và ý nghĩa Tết Trung Thu Việt Nam còn được khắc họa thông qua các tác phẩm tranh, ảnh nghệ thuật. Chẳng hạn từ xưa, có bức họa Tết Trung Thu khắc họa các hoạt động như đánh trống, bày cỗ, rước cá chép,… hay bức họa Trung Thu đã đến được danh họa Bùi Xuân Phái vẽ năm 1982 khắc họa hình ảnh đoàn trẻ em phố cổ cùng rước đèn.

Xem thêm: https://sukientuanviet.com/cho-thue-san-khau-su-kien/

Tac-pham-Trung-Thu-da-den-Bui-Xuan-Phai

Tác phẩm Trung Thu đã đến Bùi Xuân Phái

Ý nghĩa Tết Trung Thu ở Việt Nam

Ngoài những ý nghĩa nguồn gốc cầu mùa màng từ thời xưa, ngày nay truyền thống Tết Trung Thu được giữ gìn với nhiều ý nghĩa khác. Bên cạnh là một dịp vui chơi, tiệc tùng sau những ngày làm việc mệt mỏi. Ý nghĩa chính của tết Trung Thu là dịp lễ để gia đình quây quần gặp gỡ, cùng ăn bánh ngắm trăng, tưởng nhớ về nguồn cội và những kỷ niệm xưa.Con cháu trong dịp Tết Trung Thu sẽ bày tỏ sự biết ơn, chăm sóc, báo hiếu tổ tiên, ông bà và cha mẹ. Đây chính là dịp lễ thể hiện sự đầm ấm, đoàn viên và là dịp để những người con ở nơi xa sum vầy hướng về bên gia đình.

Trung-thu-sum-vay-ben-gia-dinh

Trung Thu sum vầy bên gia đình

Có thể nói dù là thời kỳ nào hay tại quốc gia Châu Á nào, Tết Trung Thu luôn là một ngày lễ ý nghĩa cần được bảo tồn và gìn giữ. Mỗi năm, mong cho tất cả mọi người đều an lành, chậm lại một nhịp, hít thở đề cùng thưởng trăng, quên đi bộn bề. Tựa như lời thơ của Tản Đà có nhắc:

“Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám

Tựa nhau trông xuống thế gian cười…”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *